Xúc Động Hành Trình 5,000km Đến Châu Phi Kết Nối Tình Cha Con

Xúc Động Hành Trình 5,000km Đến Châu Phi Kết Nối Tình Cha Con

Kỷ niệm khó phai về chuyến đi đáng nhớ đến Châu Phi cùng người cha đáng kính.

Maureen Littlejohn
2021-06-17

262

Khi đại dịch Covid-19 này tiếp tục khiến cho việc du hí đến các vùng trời mới bất khả thi, tôi lại bắt đầu nhớ về những chuyến đi xưa đáng nhớ nhất. Chuyến đi ngang dọc Châu Phi cùng với bố Gordon của tôi chính là một trong số đó.

Tôi đã choáng ngợp với vạn vật xung quanh khi chiếc xe chuyên chở của tour du lịch xóc nảy trên con đường cao tốc, còn tôi dán chặt mình vào ghế ngồi. Những cồn cát sa mạc đỏ rực như lửa cuồn cuộn dâng lên trên đường chân trời. Những con đà điểu chạy nhấp nhô từ phía đằng xa cùng với đó là cả một bầu trời châu Phi xanh đậm trải dài tận thiên đường.

Nhưng cảnh tượng đó chưa phải điều diệu kỳ nhất. Điều thực sự khiến tôi kinh ngạc lại chính là bố tôi – người bạn 87 tuổi đồng hành trong chuyến đi đến miền Nam châu Phi này. Lần cuối cùng chúng tôi đi du lịch cùng nhau chắc là chuyến đi cắm trại của gia đình tại các bang Duyên hải Canada khoảng 40 năm về trước. Mối quan hệ của hai cha con lúc đó không được êm ấm cho lắm. Khi ấy tôi chỉ là một thiếu niên cáu kỉnh, ngủ rất nhiều và phàn nàn về mọi thứ.

Nhưng lần này tôi tỉnh táo hơn bao giờ hết.

Sau chuyến tình nguyện một năm tại một cơ quan giải quyết bạo lực giới tại Swaziland, tôi cần một kỳ nghỉ. Còn bố tôi, khi đó sống ở Toronto, thì chưa có dịp nào đi đến Châu Phi. Kể từ ngày mẹ tôi qua đời, ông chỉ đi nghỉ quanh Bắc Mỹ. Cho nên tôi đã mời ông cùng đi với tôi.

Thú thực là tôi có hơi căng thẳng một chút vì tôi không muốn ông cảm thấy chán. Liệu khách sạn có tốt không, liệu thức ăn có hợp khẩu vị không, chúng tôi sẽ được thấy đủ các loài động vật chứ, hoặc thậm chí là chúng tôi sẽ hòa hợp với nhau chứ? Để chắc chắn tôi đã chọn một tour du lịch đầy đủ lịch trình.

Tôi và bố gặp nhau tại Cape Town, sau đó thì nhập hội với nhóm du lịch chung rồi cùng nhau nhảy lên một chiếc xe tải chuyên dụng chở chúng tôi đi qua Nam Phi, Namibia, Botswana và Zimbabwe trong ba tuần. Nhóm chúng tôi tổng cộng có 20 người bao gồm rất nhiều dân du lịch đến Đức, Úc, New Zealand, Tây Ban Nha và Mỹ. Còn anh tài xế kiêm hướng dẫn viên của chúng tôi, Pilani, thì đến từ Zimbabwe.

Nhóm chúng tôi đặt chân đến Namibia một ngày sau đó, rồi ở lại qua đêm trong một ngôi nhà trọ dọc theo sông Gariep hay còn gọi là Sông Cam. Tuyến đường thủy này rất nổi tiếng vì từng vận chuyển kim cương từ núi lửa ở Kimberley (Nam Phi) đến bờ biển Đại Tây Dương của Namibia.

Trong lúc ngồi trước cửa phòng trọ, tôi cùng bố đưa mắt nhìn ra bờ sông được điểm xuyến với những đốm trắng là những con cò, con diệc và đắm chìm trong một ít rượu scotch mua từ cửa hàng miễn thuế mà bố đã nhét trong túi của ông. “Bố từng có cơ hội đến và làm việc tại một khu mỏ ở Namibia,” ông mở lời.

Phải nói thêm là sự nghiệp của bố đi từ kỹ sư khai thác mỏ, và sau khi đã tốt nghiệp trường luật thì ông chính thức trở thành tổng cố vấn cho một công ty mỏ.

“Nhưng một người đồng nghiệp khác lại được chỉ định cho vị trí đó. Bố đã luôn muốn được tới đây một lần.”

Tôi cảm thấy mừng vì đã mình thực hiện được ước mong của ông.

Những ly rượu hàng đêm đã khiến cuộc trò chuyện của chúng tôi trở nên dễ dàng hơn. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện về mọi thứ trên đời từ chuyện trong ngày hôm đó, đến những lựa chọn nghề nghiệp và những chuyện tranh cãi trong gia đình. Tôi đã lo lắng về chuyến đi vì tôi không thực sự dành nhiều thời gian với bố từ khi tôi chuyển ra khỏi nhà để học đại học. Nhưng, mỗi đêm trôi qua, nỗi sợ hãi của tôi lại tan biến đi một chút. Dường như có cái gì đó đang dần dần phát triển vượt trên mối quan hệ thông thường giữa cha mẹ và con cái. Đó hẳn là tình bạn.

Vượt qua cái khung cảnh khô cằn, giàu khoáng sản đó, xe chúng tôi đã đi đến hẻm núi Fish River. Dù hẻm núi Fish River là hẻm núi lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Grand Canyon ở Mỹ, nhưng đường nước chính của Fish River Canyon hầu như năm nào cũng khô cạn. Tôi tự hỏi liệu có phải nó bị đặt nhầm tên không vậy? Pilani thấy vậy mới giải thích: “Lũ cá trê thích nằm sâu trong bùn của đáy sông khô lắm, tụi chúng nó chỉ chờ được trồi lên trong mùa mưa thôi.” “Giờ chúng nó vẫn đang ngủ ở dưới đó đấy!” Pilani vừa cười khúc khích vừa nói thêm trong lúc chúng tôi đứng bên mép rìa hẻm núi và nhìn xuống dưới lòng sông khô cằn.

Loài động vật tiêu biểu của châu Phi mà chúng tôi được thấy là ở một trại dừng chân. Oscar và Wilde là hai chú báo con được sinh ra từ một con báo mẹ bị bắt giữ bởi một người nông dân địa phương. Bây giờ, khi đã 12 tuổi, chúng sống trong khu trại và du khách có thể vào trong khu chuồng nuôi của chúng để đi bộ có hướng dẫn.

Anh chàng hướng dẫn viên trẻ người Đức đứng yên hoàn toàn trong lúc Wilde bước ra khỏi nơi ẩn nấp của mình, dựa người dưới chân anh chàng và bắt đầu rên rỉ. Oscar cũng theo dõi chúng tôi cẩn thận từ phía xa với đôi mắt đầy tò mò. Anh chàng hướng dẫn viên kể với chúng tôi rằng chúng chưa bao giờ có cơ hội chạy trốn, và ngay khi tôi thấy Oscar lẻn lên mép hàng rào, nhìn xa xăm ra phía ngoài nơi hoang dã, tôi cảm giác như tim mình vụn vỡ.

Tâm trạng tôi trở nên tốt hơn nhiều khi chúng tôi đến được đồng bằng Okavango ở Botswana. Phóng tầm mắt lên vùng châu thổ lớn nhất thế giới, khoảng 15.000 km2, tôi có thể thấy một đàn voi đang lội sâu trong vùng nước đầm lầy trong khi miệng thì gặm nhấm cỏ một cách lười biếng trên vùng châu thổ xanh rì. Có ít nhất 200.000 động vật có vú đang sinh sống ở nơi đây. Ngay khi đến được nơi nghỉ chân trên đảo, bố và tôi ra ngồi hàng hiên phía bên ngoài của ngôi nhà, đó là một căn lều được trang bị đầy đủ phòng tắm và vòi sen ngoài trời. Chúng tôi định dành buổi chiều để đọc sách và ngủ trưa, nhưng giấc ngủ không kéo dài bao lâu.

Chúng tôi bị đánh thức bởi loạt tiếng ồn ào rột roạt. Một con voi to lớn đi qua, hẳn là nó đang trong công cuộc tìm kiếm những ngọn cỏ ngon nhất trên hòn đảo này đây. Ngay phía sau chú voi lại là một trong những hướng dẫn viên của khu nhà nghỉ, anh ta vỗ tay thật lớn: “Đi ra, đi ra nào!”. Vừa nghe tiếng quát của anh ấy thì kẻ mặt dày đó cũng giật mình chuồn lẹ như cách một chú nai bị bắt gặp đang lén gặm cà rốt trong vườn vậy.

Lúc đó chúng tôi nhận ra rằng sẽ còn rất nhiều loài động vật hoang dã khác ghé thăm. Trong một lần đang chênh vênh trên chiếc xuồng giữa những bông hoa súng, chúng tôi nhìn thấy cá sấu, trâu nước và cả hà mã. Trong một chuyến bộ hành khác thì một con lợn rừng bắt đầu bám theo nhóm chúng tôi, và lũ khỉ đầu chó tò mò nhìn chúng tôi từ đỉnh của những ụ mối bỏ hoang. 

Điểm nhấn của chuyến đi phải kể đến Chobe Park, hay còn được biết đến với tên gọi “Vùng đất của những gã khổng lồ”. Với khoảng 11,000 kilomet vuông, khu vực này tập trung đủ các gia đình voi phun nước và chơi đùa với nhau trên sông. Rồi những đàn hã mã ngụy trang thành những tảng đá khổng lồ, nổi lềnh bềnh hai bên chiếc xe Jeeps của chúng tôi. Và bên cạnh là mấy chú thằn lằn nằm bất động, rình bắt con mồi dọc bờ biển.

Chúng tôi trải qua ngày cuối cùng của chuyến đi tại thác Victoria. Bố và tôi bị mê hoặc bởi dòng nước mạnh tựa sấm rền, nó còn được biết đến với cái tên Big Smoke như cách người địa phương ở đây gọi nó. Mặc dù có rất nhiều thứ để làm, từ nhảy Bungee đến đi thuyền trên sông và đi trực thăng, chúng tôi lại quyết định là sẽ ở yên một chỗ và để cho bản thân mình ướt sũng bởi các tia nước bắn từ thác trong khi ngắm nhìn dòng chảy từ nhiều điểm quan sát.

Giờ đây ngồi nghĩ lại, chuyến đi này như một nghi lễ rửa tội vậy, một nghi lễ củng cố cho tình cảm gắn bó của bố con tôi.

Đứa nhóc hay giận dỗi của 40 năm trước bây giờ đã là một người phụ nữ trưởng thành, phượt hơn 5,000km cùng với bố của cô ấy. Và cô ấy đã thực sự tận hưởng nó.

“Chuyến đi tuyệt vời, con gái nhỉ?” Bố thủ thỉ và trao cho tôi một cái ôm thật chặt khi chúng tôi đang ngắm nhìn dòng thác.

“Không chỉ tuyệt vời đâu bố ạ. Nó là đỉnh của chóp đấy.” Tôi đáp.

Đánh giá bài viết