Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the rocket domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /home/lienketvn/lienket.vn/public_html/public/blog/wp-includes/functions.php on line 6114
Sấu Hà Nội – Đặc Sản Nghe Là Thèm - Blog - Lienket.vn

Sấu Hà Nội – Đặc Sản Nghe Là Thèm

Sấu Hà Nội – Đặc Sản Nghe Là Thèm

Suốt bao nhiêu năm qua, sấu giữ một vị trí quan trọng trong lòng người Hà Nội.

Too
12 hours ago

3

Từ lâu, sấu đã trở thành một loại đặc sản trứ danh của Hà Nội. Đối với người dân địa phương, sấu là người bạn thân thiết lâu năm có mặt trong đời sống sinh hoạt thường nhật, không bao giờ thiếu vắng. Còn đối với khách du lịch, sấu là một gợi ý thú vị mà họ chắc chắn phải trải nghiệm một khi đến Hà Nội.

Sấu và Hà Nội

Quả sấu hình cầu, hơi dẹt, có đường kính khoảng 2cm. Khi chín, quả sấu chuyển từ màu xanh sang vàng sẫm, bên trong có 1 hạt. Cây sấu có rất nhiều công dụng hữu ích. Tán cây cho bóng mát, hoa cho hương thơm thoảng nhẹ, rất dễ chịu và quả dùng để chế biến nên nhiều món ngon và là đặc sản của Hà Nội.

Cây sấu được trồng ở nhiều tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Từ cuối thế kỷ XIX, sấu bắt đầu có mặt trên những tuyến phố chính của Hà Nội. Tính đến nay, sấu đã sống cùng người Hà Nội hơn trăm năm rồi. Khách du lịch đến thăm Thủ đô thường khó kìm lòng trước những gốc sấu xù xì trăm tuổi, xum xuê, cao tít tắp và đan vòm trên cao tỏa bóng mát cả con phố dài. Hiện nay, Phan Đình Phùng là con đường sở hữu nhiều cây sấu nhất, được mệnh danh là “phố sấu”. Dù là mùa sấu thay lá hay mùa sấu trổ hoa, sấu ra quả, cứ đến con đường Phan Đình Phùng nếu bạn muốn cảm nhận rõ nét mọi sự đổi thay của loài cây này.

Mùa sấu có gì đặc biệt? 

Hằng năm, cứ vào độ tháng ba, tháng tư là sấu “rùng mình” thay lá, rụng vàng khắp hè phố. Người ta thường gom lá sấu khô thành từng đống rồi mang về nhà để nhóm lửa; lá sấu xem vậy mà rất đượm lửa và ít khói. 

Đến giữa tháng năm, đầu tháng sáu, hoa sấu bắt đầu chớm nở, trắng li ti và tỏa hương thơm nhẹ nhàng, dễ chịu. Mùa sấu ra hoa, đám trẻ con thích lắm vì sẽ nhặt từng bông hoa sấu rơi rụng làm gạo để chơi đồ hàng; còn người lớn cũng ưa đi những con đường có sấu hơn, cốt cũng để được hít hà mùi hương hoa sấu nhẹ nhàng phảng phất trong gió khiến lòng khoan khoái, dễ chịu. 

Và sang những ngày giữa tháng sáu đến tháng bảy, Hà Nội lại đón chào mùa quả sấu đến – nhộn nhịp và hối hả. Thời điểm này, đâu đâu cũng nghe người ta bàn về quả sấu. Chúng xuất hiện trong những khu chợ đặc trưng cho đến vỉa hè của nhiều con phố, đâu đâu cũng thấy  cơ man nào là những quả sấu tròn lẳn, được người bán kẻ mua nhộn nhịp cả phố phường Hà Nội. Âu cũng bởi cái vị chua chua mà thanh mát cùng mùi hương đặc trưng không lẫn vào đâu được của quả sấu mà cứ đến thời điểm này hằng năm, chúng lại trở thành tâm điểm của sự chú ý. Mùa quả sấu thường đến giữa tháng chín là cuối mùa, người Hà Nội lại thở dài tiếc nuối và trông chờ đến mùa sấu năm sau.

Món ngon từ quả sấu

Cho đến nay, quả sấu đã là nguyên liệu cho trên 30 món ăn, được sử dụng hết sức rộng rãi, từ dân dã trên đường phố cho tới nhà hàng món ăn Việt trong khách sạn 5 sao. Phải kể đến như nước sấu, rau muống luộc dầm sấu, ô mai sấu, vịt om sấu hay sấu dầm.

Nước sấu

Gọi nước sấu là thứ nước giải khát đặc trưng của Hà Nội quả không sai. Giống như việc miền Nam phổ biến với nước mía, Hà Nội có món nước sấu, thực đơn của tất cả mọi quán nước ở đây đều không thể thiếu vắng món nước sấu. Người ta sẽ chọn những quả sấu đẹp, vừa chín tới và mang ngâm với hỗn hợp nước đường thêm vài lát gừng. Tuy mùa nào cũng có vì sấu ngâm để được lâu nhưng mẻ nước sấu đầu tiên bao giờ cũng là tuyệt nhất. Đó cũng là những quả sấu ngon nhất, không non quá cũng không già quá, lại được ngâm đến độ nên hòa quyện được cả vị chua, ngọt, cay. 

Rau muống luộc dầm sấu

Nếu người miền Tây thường ăn rau muống xào tỏi thì người Hà Nội lại thích kết hợp rau muống với sấu dầm. Món này thì hẳn quá phổ biến trong những bữa cơm gia đình tại Hà Nội. Chỉ cần luộc rau muống và dầm những quả sấu tươi vào nước luộc cho vị chua ngọt được hòa lẫn, có thể cho thêm mấy lát gừng thái mỏng. Chẳng cần cầu kỳ, món rau dân dã cũng trở nên ngon miệng và giải nhiệt ngày hè.

Ô mai sấu

Vì sấu ngâm chỉ có thể bảo quản được một thời gian ngắn nên người Hà Nội từ xưa đã biết chế biến món ô mai sấu để thưởng thức quanh năm. Người ta thường chọn những quả sấu già, ngày thì phơi nắng cho khô hết nước, đêm thì phơi sương để từng thớ thịt sấu trở nên mềm và dai hơn. Cứ như thế cho đến khi những quả sấu thật khô thì mang đi ngâm đường, muối và gừng giã nhuyễn. Để thưởng thức những quả ô mai sấu ngọt lịm, bạn có thể đến phố Hàng Đường, tại đây có rất nhiều hàng quán cho bạn tìm mua.

Hình 5: Ô mai sấu. Photo: Hapi Vegan

Vịt om sấu: Cứ vào mấy hàng thịt vịt vào tầm tháng tám, tháng chín thì hàng nào cũng sẽ có món vịt om sấu. Thịt vịt mềm được om cùng với sấu có vị chua chua nhẹ và hương thơm quả sấu hoà quyện. Trong vịt còn có thêm cả khoai sọ chín mềm, ăn rất hợp. Với món ăn này, sấu không chỉ làm nên hương vị đặc biệt mà còn giúp cho thịt vịt mềm hơn, ngon hơn. Ở Hà Nội, bạn có thể đến các địa chỉ này để thưởng thức vịt om sấu: quán Vinh Liên ở số 45 Hồng Mai, quán Vịt Lữ Béo ở số 59 Giang Văn Minh, quán Lộc Vịt ở số 102 Quán Thánh,…

Sấu dầm

Đây được xem là món ăn vặt khoái khẩu được rất nhiều học sinh, sinh viên yêu thích. Những quả sấu to, xanh và giòn giòn được trộn với các loại gia vị để thêm độ mặn, ngọt, cay hoà với vị chua của sấu; một số nơi còn cho thêm thịt bò khô thành món sấu dầm bò khô. Món sấu dầm này được bày bán khắp mọi nơi ở Hà Nội, phổ biến nhất là khu Lý Quốc Sư và dọc phố đi bộ Hà Nội.

Hình 6: Sấu dầm. Photo: Kenh14

Bún chả giấm sấu

Vẫn là món bún chả quen thuộc của Hà Nội, thế nhưng thay vì các loại giấm thông thường, một số quán ăn lựa chọn dùng giấm sấu để ăn kèm cốt để tăng thêm hương vị ngon miệng cho món ăn. Sấu được ngâm trong giấm lâu ngày sẽ tạo nên hương vị thanh thanh và có mùi thơm dịu rất đặc biệt; chỉ cần cho độ chừng 1 thìa giấm sấu vào bát nước chấm thôi là cũng đã thấy hương vị của món bún chả trở nên lạ miệng và hấp dẫn hơn. Hiện nay, không còn nhiều nơi sử dụng giấm sấu cho món bún chả, nếu bạn muốn thưởng thức thì có thể tìm đến khu ngõ chợ Đồng Xuân. 

Người Hà Nội từ xưa đến nay đều xem sấu như một thứ đặc sản đầy tự hào, dù rằng giá thành rất rẻ và hoàn toàn không phải hàng “cao lương mỹ vị”. Sấu gắn bó với người Hà Nội hàng trăm năm rồi nên trở thành một phần không thể thiếu. Họ đã quen với hình ảnh những hàng cây trăm tuổi xù xì tỏa bóng mát khắp những nẻo đường Hà Nội. Họ đã quen với hương hoa thơm nhẹ nhàng hòa vào trong gió vào những ngày hè tháng bảy. Họ đã quen với những quả sấu tròn lẳn có vị chua êm ái, thanh thanh khiến người đi xa có dịp để nhớ về.

Đánh giá bài viết