Nhớ Mãi Các Món Đặc Sản Miền Tây Mùa Nước Nổi
Những món ăn không thể bỏ qua mỗi dịp mùa nước nổi ở miền Tây.
Ở miền Tây, mùa con nước dâng cao là thời điểm được mong đợi nhất trong năm. Có lẽ đó cũng là lý do mùa lũ nơi đây được gọi với cái tên nhẹ nhàng, thân thương hơn là “mùa nước nổi”. Chẳng biết từ bao giờ, mùa nước nổi đã trở thành biểu tượng rất riêng của một vùng đất hiền hòa, trù phú và là món quà trời cho giúp người dân cải thiện cuộc sống một nắng hơi sương của mình.
Mùa nước nổi miền Tây
Mỗi độ tháng 7 âm lịch,các con sông, kênh rạch ở miền Tây bắt đầu chuyển màu đục ngầu, mực nước cũng không ngừng dâng lên cao, báo hiệu cho một mùa nước nổi nữa lại về. Kể từ đó, khắp các tỉnh Đồng Tháp, An Giang và vùng Tứ giác Long xuyên mênh mông toàn là biển nước. Sở dĩ chỉ có miền Tây mới có mùa nước nổi vì đây là vùng trũng nhất của Việt Nam, lại là nơi giao thoa, gặp gỡ của những nhánh sông lớn từ sông mẹ Mekong đổ về. Với lưu lượng dòng chảy lên đến 3000m2/s, mùa nước lũ cuốn theo rất nhiều tôm cá, sản vật cho con người. Trong 3 tháng dài nước nổi, đồng ruộng tạm biến mất, thay vào đó là nước mênh mông nơi mà những mầm sống mới đang bắt đầu vươn lên.
Cứ vào mỗi dịp mùa nước nổi về, người dân miền tây lại háo hức chuẩn bị ghe thuyền, chài lưới và các công cụ để đi khai thác các sản vật thiên nhiên ban tặng. Để rồi những chuyến ghe bội thu chở đầy ắp tôm cá, bông súng, điên điển tấp nập đổ về các chợ cá tạo nên một không khí hối hả và phấn khởi đặc trưng của vùng đất phương Nam. Chẳng thế mà dù vất vả trăm bề, người dân miền Tây vẫn luôn mong chờ đến mùa sông nước nổi như mong chờ một điểm hẹn văn hóa đặc trưng của sông nước miền Tây.
Đặc sản miền Tây mùa nước nổi
Du khách khắp nơi tấp nập đến miền tây mùa nước nổi miền Tây để chiêm ngưỡng, khám phá mùa vạn vật hát khúc hoan ca. Còn với người dân nơi đây, nước lên mang theo một mùa “bội thu” với những đặc sản tuy dân dã nhưng mang lại hương vị tuyệt vời.
Cá linh
Mùa nước mang theo tôm cá từ thượng nguồn đổ về, đem đến cho người dân bao nhiêu món ngon. Nào là cá lóc, cá chạch, nào rắn, nào chuột đồng, ốc đồng,… nhưng để kể tên món ăn nên thương hiệu mùa nước nổi thì phải kể đến cá linh. Cá linh xuất hiện vào mùa nước nổi ở các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp. Đây cũng là lúc cá linh ngon nhất bởi thịt cá mềm, ngọt. Những con cá linh tươi, có mỡ béo béo được đem kho tiêu, nướng trên than hồng hay nấu lẩu chua đều ngon khó cưỡng. Chẳng thế mà loại cá này đã đi vào câu ca dao:
Canh chua điên điển cá linh
Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon
Bông điên điển
Bất cứ ai ở vùng sông nước cũng là ít nhất một lần ăn bông điên điển – loài hoa dân dã nở vàng, khoe sắc khắp các mé sông, ruộng nước. Điên điển có vị giòn, ngọt, đắng đặc trưng lại nồng đượm hương đồng cỏ nội. Điên điển nở rộ từng chùm, chỉ cần hái về, nhặt cuống, rửa sạch là có ngay một món ăn ngon. Bông điên điển có rất nhiều kiểu chế biến, từ cầu kỳ như nấu lẩu, xào tép hay đơn giản là làm món ăn kèm với bún cá, món kho đều rất ngon, khiến bất cứ ai ăn thử một lần đều nhớ mãi.
Bông súng nước
Bông súng mùa nào cũng có, không chỉ tô điểm cho cảnh sắc mà còn là món đặc sản dân dã, độc đáo miền Tây. Nhưng mỗi độ nước lên, bông súng lại nở rộ và ngon hơn rất nhiều. Bông súng dài bằng chiều cao của con nước, hấp dẫn ở cái vị thanh ngọt, giòn xốp đặc trưng. Vào mùa nước lũ, ăn lẩu mắm, cá kho mà không có đọt bông súng ăn kèm thì chưa thể tròn vị.
Chuột đồng
Món thịt chuột thì không còn xa lạ với người dân ở khắp các miền quê Việt Nam, nhưng bắt chuột đồng mùa nước nổi thì chỉ có duy nhất ở miền Tây Nam Bộ mà thôi. Chuột thường sống ở nơi khô ráo ven bờ ruộng nhưng khi nước về, chúng bị mất đi nơi ẩn náu, phải trú ở những đám lục bình, tán cây thân gỗ lâu năm giữa đồng. Chuột ở đây quanh năm ăn lúa gạo nên rất sạch, lại thơm ngon nên được người dân tận dụng làm hàng trăm món ăn ngon như chuột đồng nướng lu, chuột kho, chuột sả ớt, chuột xào lá cách,…
Hẹ nước
Hẹ nước là món quà trời cho chỉ có ở vùng sông nước miền tây. Hẹ nước là một loại rong mọc ở trong các thửa ruộng ngập phèn. Hẹ nước lá mỏng, mềm có gân trắng chính giữa, và màu xanh nhạt như lá sả. Lá hẹ nước mềm, xốp và giòn, vị ngon thanh mát. Hẹ nước được dùng để ăn sống như một loại rau chấm với cá kho, thịt kho, nhưng ngon nhất phải ăn kèm với món cá linh kho mắm.
Mỗi năm cùng với mùa nước nổi, miền Tây lại được thay áo mới, vạn vật sinh sôi nảy nở, dồi dào sức sống. Không chỉ rửa mặn, bồi đắp phù sa, mùa nước nổi còn gắn liền với những sản vật quý giá mà thiên nhiên ưu ái ban tặng riêng cho vùng đất sông nước này.