Làm Sao Để Sử Dụng Kem Chống Nắng Đúng Cách, Theo Lời Khuyên Của Bác Sĩ Da Liễu
Tiến sĩ Julia Carroll, nhà đồng sáng lập của trung tâm da liễu Compass Dermatology, đã giải thích cách sử dụng sản phẩm chống nắng thật hiệu quả để bảo vệ làn da của bạn khỏi các tác nhân gây hại.
Có thể nói rằng kem chống nắng chính là một phần không thể bỏ qua trong chu trình chăm sóc da ban ngày của mỗi người, kể cả khi nó chỉ gồm vài bước đơn giản hay cả một chu trình phức tạp. Sản phẩm này thực tế đem lại rất nhiều lợi ích khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là bảo vệ làn da của bạn khỏi bị cháy nắng cũng như làm chậm quá trình lão hóa, duy trì cho bạn một làn da trẻ trung, khỏe khoắn.
Culture Magazin đã có một buổi phỏng vấn Tiến sĩ Carroll để hiểu hơn về vai trò của kem chống nắng trong việc bảo vệ làn da.
Vậy nếu chúng ta không sử dụng kem chống nắng thì sẽ có những tác hại nào?
Không có thứ gì được gọi liệu pháp tắm nắng an toàn hay lành mạnh cả. Mỗi một lần “tắm nắng căn bản” là một lần làn da của bạn không được bảo vệ hoặc bảo vệ rất ít khỏi việc bị cháy nắng, và hãy biết rằng bất kỳ sự thay đổi nào về màu da đều là dấu hiệu của việc da bị tổn thương.
Để da tiếp xúc trực tiếp với bức xạ UVA và UVB từ mặt trời hoặc từ thiết bị tắm nắng đều có thể gây ra cháy nắng và gây tổn thương mắt, cũng như làm tăng nguy cơ ung thư da. Bên cạnh đó việc da tiếp xúc sớm với giường tắm nắng cũng có thể làm tăng khả năng phát triển u ác tính của một người lên tới 75%. Trong số những người sử dụng ghế tắm nắng trước 35 tuổi thì nguy cơ mắc ung thư tế bào hắc tố của họ cao đến 59%.
Vậy chỉ số SPF và PA mà chúng ta thường thấy trên bao bì sản phẩm có nghĩa là gì?
SPF là viết tắt của cụm từ Sun Protection Factor, nghĩa là định mức đo lường khả năng chống lại tia UV, và con số này sẽ cho thấy mức độ mà kem chống nắng bạn đang dùng có thể bảo vệ làn da khỏi cháy nắng. Một điều bạn cần biết là các con số SPF chỉ cho thấy mức độ mà kem chống nắng bảo vệ cho da của bạn trước bức xạ UVB chứ không phải là tia UVA vì tia này dễ thâm nhập sâu vào da hơn. Nếu bạn muốn sử dụng kem có thể chống lại cả hai loại tia này, bạn sẽ cần kiểm tra xem sản phẩm đó có phải là loại ‘phổ rộng’ không. So với kem chống nắng có giá trị SPF thấp thì sử dụng kem chống nắng với chỉ số SPF cao (trên 50 SPF) sẽ giúp bảo vệ làn da tốt hơn trước việc bị cháy nắng cũng như nguy cơ tổn hại đến tế bào da do tia UV gây ra. Kem chống nắng với chỉ số SPF 30 có thể chặn khoảng 97% tia ánh nắng mặt trời. Những loại kem có chỉ số tia SPF có thể cản nhiều tia mặt trời hơn, nhưng vẫn không có loại nào có thể chặn được 100 phần trăm. Một điều quan trọng nữa cần nhớ rằng kem chống nắng có chỉ số SPF cao hay thấp thì cũng chỉ có tác dụng trên da trong một khoảng thời gian nhất định, vì thế mà chúng ta cần bôi lại kem chống nắng trong ngày.
Một số loại kem chống nắng còn có đánh giá PA+ trên các sản phẩm của họ. Ký tự chữ “PA” đi kèm với các dấu cộng (như PA+, PA+++++ và PA++++) ghi trên nhãn sản phẩm chính là hệ thống xếp hạng được phát triển ở Nhật Bản, đại diện cho mức độ bảo vệ da khỏi tia UVA mà sản phẩm mang lại.
Thưa tiến sĩ, có đúng là chúng ta chỉ cần sử dụng kem chống nắng mỗi khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gắt thôi không (ví dụ như vào mùa hè chẳng hạn)?
Mọi người thường có suy nghĩ rằng chỉ khi nào tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp thì da của họ mới bị ảnh hưởng, nhưng thực tế là tia UV có thể dễ dàng đi xuyên qua mây, sương mù và khói bụi. Thêm vào đó, những yếu tố như nước, cát, bê tông và đặc biệt là tuyết có thể phản chiếu và thậm chí làm tăng tác động của tia nắng mặt trời lên bề mặt da của bạn. Vì vậy mọi người tốt nhất nên bôi kem chống nắng mỗi ngày khi đi ra ngoài trời, khi lái xe hơi hoặc thậm chí ngay cả khi ở trong nhà nếu như đang làm việc gần cửa sổ. Mặt trời luôn phát ra tia cực tím độc hại (UV) quanh năm và bất kể mùa nào thì các tia UVA vẫn luôn ở đó.
Vậy trong chu trình chăm sóc da thì bước nào mới lúc thích hợp bôi kem chống nắng để đạt được hiệu quả tốt nhất? Còn các sản phẩm mỹ phẩm khác có chỉ số SPF thì sao? Chúng có nên được sử dụng như một loại sản phẩm chống nắng thay thế không?
Tôi thường hay thoa kem chống nắng vào sáng sớm ngay sau khi tắm xong để chắc chắn là đã bôi đủ kem chống nắng cho toàn bộ cổ, vai và ngực, cũng như khuôn mặt của mình. Thường thì các sản phẩm trang điểm sẽ không có đủ chỉ số SPF trong đó và cũng khó để đảm bảo là bạn sử dụng lượng sản phẩm đủ nhiều để nó có tác dụng. Vì vậy tôi khuyên các bạn nên thoa kem chống nắng trước khi bắt đầu trang điểm.
Tiến sĩ Julia Carroll được biết đến là bác sĩ da liễu được hội đồng chứng nhận và cũng là người thường xuyên góp mặt trên các phương tiện truyền thông của địa phương và quốc gia. Châm ngôn của bà dựa trên việc đưa ra những kết quả tự nhiên và sát thực tế, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa các phương pháp điều trị tiên tiến và các phương pháp điều trị lâu đời. Tiến sĩ Carroll hiện là nhà đồng sáng lập của trung tâm da liễu Compass Dermatology được đặt tại trung tâm thành phố Toronto. Bà cũng giữ chức vụ giảng viên của Khoa Da liễu tại Đại học Toronto. Ngoài công việc bận rộn của mình tại khoa da liễu, bà còn là chủ tịch của Hiệp hội Y học thẩm mỹ Canada, giám đốc của Ontario trong hội đồng quản trị của Hiệp hội Da liễu Canada và là thành viên hội đồng quản trị của Mạng lưới Ung thư tế bào hắc tố Canada (Melanoma Network Canada).
Theo tiến sĩ, chúng ta phải làm gì sau khi sử dụng kem chống nắng? Ví dụ như là bôi lại kem sau khi bơi xong hoặc sau khi đổ mồ hôi chẳng hạn?
Cơ quan Y tế Canada đã khuyến cáo rằng mỗi người nên bôi lại kem chống nắng hai giờ một lần, hoặc sau khi cơ thể bị đổ mồ hôi hay sau khi bơi. Và hiện nay trên thị trường không có loại kem chống nắng nào có thể chống nước hoàn toàn cả. Đối với các loại kem chống nắng được dán nhãn chống nước với chỉ số 40 hoặc 80 đều có nghĩa là chúng chỉ có khả năng chống nước đến 40 hoặc 80 phút thôi chứ không thể kéo dài xuyên suốt một ngày được. Kem chống nắng chống nước không duy trì cả ngày. Và ngay cả các loại chống nước này cũng cần được bôi lại khoảng hai giờ một lần mỗi khi bạn đi ra ngoài, kể cả vào những ngày bình thường hay thậm chí là những ngày trời có mây hoặc thời tiết lạnh, và cũng nhớ bôi lại sau khi bơi hoặc đổ mồ hôi nhé.
Vậy các loại kem chống nắng nào thích hợp cho từng loại da khác nhau? Ví dụ da khô, da dầu và da hỗn hợp?
Trên thị trường hiện nay có một số loại kem chống nắng có thể làm bí tắc lỗ chân lông, nhưng cũng có nhiều sản phẩm thì không. Nếu da bạn là da dầu hoặc dễ nổi mụn thì hãy chú ý đến các loại kem chống nắng có dán nhãn ‘non-comedogenic’ (không gây mụn) hay ‘oil-free’ (không dầu)’. Còn nếu bạn có làn da nhạy cảm thì tôi khuyên nên thử sử dụng những loại kem chống nắng vật lý. Đối với cánh đàn ông thì họ rất ưa thích các loại kem chống nắng dạng gel, còn đối với những người có làn da khô thì các loại dạng kem lại thường được ưa chuộng hơn. Và thực sự thì mọi người ai cũng có một loại kem chống nắng phù hợp.
Nhiều người tin rằng việc sử dụng mỹ phẩm khi còn quá trẻ có thể gây tổn hại cho da. Vậy thì kem chống nắng ảnh hưởng như thế nào đến quá trình lão hoá da của mỗi chúng ta? Nên bắt đầu sử dụng kem chống nắng ở độ tuổi nào cũng như làm sao sử dụng nó cho đúng cách?
Không bao giờ là quá trẻ để bắt đầu tự bảo vệ bản thân mình khỏi ánh nắng mặt trời cả. Ánh nắng mặt trời bao gồm hai loại tia bức xạ gây hại là tia UVA và tia UVB. Tia UVA là tia có thể thâm nhập sâu vào làn da và khiến cho da bạn lão hóa sớm, gây ra các nếp nhăn, các đốm đồi mồi và tệ hơn nữa là có khả năng gây ung thư da bao gồm ung thư tế bào hắc tố. Tia UVB thì lại là nguyên nhân chính gây ra cháy nắng. Mặc dù các tia UVA và UVB tác động lên da khác nhau nhưng cả hai vẫn gây hại. Nếu làn da của chúng ta không được bảo vệ và tiếp xúc trực tiếp với UVA và UVB thì sẽ gây tổn hại DNA trong tế bào da, từ đó tạo ra những khuyết tật về di truyền, đột biến cũng như có thể dẫn đến ung thư da. Vì vậy chúng tôi khuyên rằng trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và sau độ tuổi đó thì nên sử dụng thêm kem chống nắng bên cạnh các thói quen chống nắng chung thường thấy.
Đôi khi chúng ta đổ mồ hôi thì giọt mồ hôi sẽ làm cho kem chống nắng chảy vào mắt, gây xót và khiến cho mắt bị đau, đỏ. Vậy làm thế nào để tránh được trường hợp này?
Tôi nghĩ rằng đối với những người thích ra ngoài tập thể dục hoặc chạy bộ thì nên thử sử dụng các loại chống nắng dạng thỏi. Loại này thường có kết cấu như sáp, nên sẽ giúp ngăn ngừa việc kem chống nắng chảy vào mắt khi bạn bắt đầu đổ mồ hôi.
Hầu hết chúng ta hiện nay đều phải làm việc tại nhà vì đại dịch. Vậy chúng ta có cần thoa kem chống nắng tại nhà không? Và ánh sáng từ màn hình máy tính hoặc laptop có ảnh hưởng đến da của chúng ta không?
Theo một số dữ liệu được công bố, ánh sáng xanh có thể gây hại cho làn da của chúng ta. Tuy nhiên, dù ánh sáng xanh có thể phát ra từ màn hình máy tính, thì nguồn sáng xanh mạnh nhất vẫn là từ mặt trời. Vì thế bạn cần phải cẩn thận khi làm việc ở nhà nếu bạn ngồi cạnh cửa sổ cả ngày. Kính cửa sổ tuy có thể làm giảm lượng tia bức xạ nhưng không chặn được hoàn toàn việc tia UV chiếu đến làn da bạn, vì vậy da của bạn vẫn có thể bị tổn thương bởi ánh nắng chiếu qua cửa.[2]
Tiến sĩ có thể chia sẻ bí quyết dùng kem chống nắng khác cho độc giả được không?
- Kem chống nắng mà bạn sử dụng nên là loại phổ rộng – Điều này có nghĩa là chúng sẽ bảo vệ làn da của bạn khỏi cả tia UVA và tia UVB.
- Hãy tìm kiếm những loại kem chống nắng có thể chống thấm nước.
- Nhớ đọc ngày hết hạn ghi trên bao bì sản phẩm bởi vì kem chống nắng sẽ hết tác dụng theo thời gian.
- Hãy tìm những loại kem chống nắng nào mà bạn cảm thấy thoải mái và có thể sử dụng hàng ngày.
Điều quan trọng là loại kem chống nắng mà bạn thấy tốt nhất chính là loại mà bạn cảm thấy thoải mái để bôi lên da cả ngày.