Khám Phá Các Lăng Tẩm của Vua tại Cố Đô Huế
Tìm hiểu về chuyến đi đến lăng tẩm cổ của triều Nguyễn.
Huế là một trong những thành phố du lịch trọng điểm của Việt Nam với những kiến trúc cổ kính, mang đậm hơi thở cổ xưa cùng với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình. Huế cũng từng là kinh đô của nhà Nguyễn (1802 – 1945) thế nên vì vậy mà nơi này còn nổi tiếng với các di tích lăng tẩm vua thời đại này.
Hiện tại ở Huế có tổng cộng bảy lăng tẩm của các vị vua Nguyễn, mỗi khu lăng tẩm lại mang nét độc đáo, riêng biệt tùy theo sở thích, tính cách của mỗi vị vua. Dù thời gian trôi qua, những lăng tẩm này vẫn luôn giữ mãi vẻ trang nghiêm, cổ kính, nguy nga của bậc đế vương. Sau đây là bốn lăng tẩm tráng lệ, thu hút nhiều khách du lịch nhất.
Thiên Thọ Lăng (Lăng tẩm của vua Gia Long)
Thiên Thọ Lăng là lăng tẩm của vua Gia Long (1762 – 1820), vị vua đầu tiên của triều Nguyễn. Do đó mà kiến trúc của lăng mang đậm nét cổ xưa của thời phong kiến. Lăng được xây từ năm 1814 và hoàn thành vào năm 1820. Nơi này nằm trên quần thể núi Thiên Thọ và nằm xuôi theo dòng sông Hương, nên ngoài đường bộ, bạn có thể đến thăm quan lăng, sau khi thưởng thức cảnh đẹp của sông Hương thơ mộng.
Kiến trúc của lăng mang đậm những đặc điểm văn hóa Việt Nam như mái ngói, điêu khắc rồng Việt Nam trên mái, rường cột chạm đỏ và bậc tam cấp. Bởi vì Lăng Gia Long được bao bọc bởi núi sông kỳ vĩ, nên khi đến tham quan, bạn có thể cảm nhận được không gian uy nghi, tĩnh mịch, hài hòa với thiên nhiên.
Hiếu Lăng (Lăng tẩm của vua Minh Mạng)
Hiếu Lăng là lăng tẩm của vua Minh Mạng (1791 – 1841), tọa lạc trên núi Cẩm Khê, với lối kiến trúc uy nghiêm, tráng lệ. Lăng được xây dựng từ năm 1840, nhưng chưa xây dựng xong thì vua Minh Mạng mất. Vua Thiệu Trị lên nối ngôi và tiếp tục cho xây dựng cho đến năm 1843 thì hoàn thành. Bên cạnh lăng là một hồ sen ngát hương, xung quanh lăng là những rặng thông xanh mát, cao lớn. Chính bởi sự hài hòa giữ uy nghiêm và hoa mĩ này đã đem lại sức hút lạ kỳ cho Lăng Minh Mạng.
Với lối kiến trúc đình đài, cũng bậc thang đá cao dẫn đến chính điện, mang theo sự cổ kính cho nơi yên nghỉ của nhà vua. Cộng thêm những nét hữu tình trong khung cảnh xung quanh, đã khắc họa nên không gian và uy nghiêm, tĩnh lặng, nhưng cũng không kém phần thơ mộng, hài hòa cho Lăng Minh Mạng.
Khiêm Lăng (Lăng tẩm của vua Tự Đức)
Lăng của Vua Tự Đức (1829 – 1883) nằm trong một thung lũng thuộc làng Dương Xuân Thự, tổng Cư Chánh, và được đánh giá là một trong những lăng tẩm đẹp nhất nơi đây. Lăng được hoàn thành năm 1873, 10 năm trước khi vua Tự Đức qua đời. Khi mới khởi công, vua Tự Đức đặt tên cho nơi đây là Vạn Niên Cơ. Năm 1866, khởi nghĩa Chày Vôi xảy ra, và phần đông người tham gia cuộc nổi dậy này là những công nhân uất hận vì phải lao dịch khắc nghiệt để xây dựng Vạn Niên Cơ. Sau khi cuộc nổi loạn được trấn áp, vua Tự Đức cho đổi thành Khiêm Cung, sau khi vua mất thì đổi là Khiêm Lăng.
Lăng được bao bọc bởi cây cối xanh ngát, bên cạnh là một hồ nước rộng lớn, trong vắt, đã đem lại sự hài hòa hiếm có giữa kiến trúc và phong cảnh thiên nhiên. Lăng Tự Đức có diện tích rộng lớn, với khoảng 50 công trình kiến trúc trong lăng. Mỗi công trình đều có chữ Khiêm trong tên gọi. Bên cạnh đó, công trình nhà hát Minh Khiêm trong khu lăng tẩm còn là một trong những nhà hát cổ nhất tại Việt Nam còn lưu giữ đến bây giờ.
Lăng Khải Định
Lăng Khải Định là lăng mộ của vua Khải Định (1885 – 1925) nằm trên triền núi Châu Chữ và có kích thước khiêm tốn hơn so với các đời vua khác. Lăng được hoàn thiện khoảng năm 1931. Nét độc đáo của Lăng Khải Định là lối kiến trúc vô cùng công phu, tinh xảo, cầu kỳ. Đây là lăng tẩm vua Nguyễn có phong cách kiến trúc kết hợp hài hòa giữa phương Đông và phương Tây.
Kiến trúc của Lăng Khải Định được cấu thành từ những chi tiết chạm trổ tỉ mỉ, tinh xảo của phương Tây, kết hợp với những họa tiết điêu khắc phương Đông như rồng, hoa sen trên đỉnh kiến trúc. Tổng thể kiến trúc là một khối hình chữ nhật với 127 bậc cấp, có sự xâm nhập và giao hòa giữa các trường phái kiến trúc như Phật giáo, Ấn Độ giáo, Roman và Gothique. Bên trong lăng tẩm của vua hiện vẫn còn lưu giữ những bức phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh, như bộ tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt.
Đến thăm thú những lăng tẩm vua Nguyễn tại Huế, bạn có thể được chứng kiến, cảm nhận không gian tráng lệ, cột đỏ, chạm vàng và những cổ vật vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay. Trong đó có các bia đá lớn, tranh kính độc đáo, đặc sắc do các học sĩ thời xưa sáng tạo, vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Mặc dù đã trải qua bao nhiêu năm tháng, nhưng lăng tẩm vua Nguyễn ở Huế qua các triều đại vẫn luôn giữ được sự uy nghiêm, cổ kính của mình.